Skip to main content
Hướng dẫn

Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tinh thần

Sức khỏe tinh thần

Nhằm hỗ trợ cộng đồng hiệu quả hơn trong việc nâng cao sức khoẻ tinh thần, TikTok đã hợp tác với các chuyên gia để phát triển những bộ công cụ nhằm giúp người dùng tìm hiểu thêm về vấn đề này, đồng thời xây dựng một cộng đồng trực tuyến văn minh, tử tế, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau.

Chia sẻ những câu chuyện về sức khỏe tinh thần


TikTok hiểu rằng mỗi người đều có những câu chuyện riêng của mình về sức khỏe tinh thần. Chúng tôi mong muốn xây dựng một môi trường văn minh, tử tế và tương thân tương ái để các thành viên trong cộng đồng có thể chia sẻ những trải nghiệm, các mẹo hay cũng như hành trình phục hồi của họ.
Sức khỏe tinh thần không phải là con đường thẳng tắp. Nó có những thăng trầm, những cột mốc mới và thậm chí là những bước lùi. Chúng tôi khuyến khích bạn hãy kết nối thực sự với mọi người và hãy nhớ rằng, đây không phải là một cuộc thi đấu.
Bộ công cụ này được xây dựng nhằm cung cấp một số đề xuất trong việc chia sẻ thông tin về sức khoẻ tinh thần của bạn, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn cho bản thân và tôn trọng các thành viên khác trong cộng đồng.

Hãy cân nhắc thời gian và địa điểm thích hợp để kể câu chuyện của bạn. Sau đây là một số câu hỏi bạn có thể cân nhắc trước khi quyết định bấm nút “Ghi hình”:

  • Lý do tôi chia sẻ là gì?
  • Tôi sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của mình chỉ với bạn bè thân thiết và gia đình hay với quy mô đối tượng lớn hơn?
  • Việc chia sẻ câu chuyện của tôi có hữu ích và không gây hại cho bản thân tôi hoặc người khác không?
  • Để đáp lại bài đăng này, người khác có thể chia sẻ với tôi những câu chuyện khó nói, khó nghe hoặc những ý kiến khó được tiếp nhận. Tôi có sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ họ không?

Những nội dung bạn chia sẻ cũng quan trọng không kém việc quyết định có nên chia sẻ hay không. Nghiên cứu chỉ ra rằng những câu chuyện mang nội dung hướng dẫn cách đối mặt với khó khăn, thể hiện niềm hi vọng và quá trình phục hồi có thể hỗ trợ được người khác. Tiếng nói, quan điểm và trải nghiệm của riêng bạn là duy nhất – hãy dùng chúng để tạo ra thông điệp và tác động mang dấu ấn cá nhân của bạn.
Tuy nhiên, bạn cũng nên cẩn thận bởi có một số nội dung có thể khiến người khác buồn hoặc phiền lòng. Và hãy nhớ rằng Tiêu chuẩn Cộng đồng của TikTok không cho phép các nội dung mô tả, cổ vũ, tầm thường hoá hoặc ca ngợi các hoạt động có thể dẫn đến hành vi tự tử, tự hại bản thân hoặc rối loạn ăn uống.
Bạn vẫn không biết chắc mình nên nói về điều gì? Sau đây là một số chủ đề để bạn bắt đầu!

  • Điều gì khiến bạn quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mình?
  • Bạn thấy những nguồn lực, nguồn hỗ trợ và mẹo chăm sóc bản thân nào hữu ích nhất?
  • Đâu là những hoạt động hữu ích trong các thói quen thường nhật giúp bạn quản lý sức khỏe tinh thần của bản thân?
  • Bạn muốn nói gì với những người có thể đang phải đối mặt với những khó khăn tương tự như bạn?
  • Mọi người có thể thực hiện những biện pháp gì để hỗ trợ những người đang gặp khó khăn? Bạn hi vọng mình có thể được hỗ trợ những gì?
  • Tránh chia sẻ thông tin chi tiết và hình ảnh về các công cụ, phương pháp, vị trí, lời nhắn hoặc tin nhắn liên quan đến hành động tự tử. Nội dung đó có thể gây đau buồn và/hoặc vô tình trở thành ý tưởng mới mà các thành viên đang gặp khó khăn trong cộng đồng có thể áp dụng. Chia sẻ thông tin chi tiết về các công cụ và phương pháp tự tử rất nguy hiểm và những nội dung đó sẽ bị xóa khỏi TikTok. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp người thực hiện hành vi tự tử là ngôi sao nổi tiếng hoặc người của công chúng. Chính những thông tin này có thể sẽ vô tình “châm ngòi” cho hành động tự tử.
  • Tránh dùng các cụm từ như “tự sát”, “tự sát thành công/không thành công”, “cố gắng không thành công”. “Tự sát” khiến mọi người liên tưởng đến hành động phạm tội và sẽ có thái độ kỳ thị. Điều này sẽ ngăn cản những người có ý định tự tử tìm kiếm sự hỗ trợ. Điều này cũng ảnh hưởng đến những người đã mất người thân do tự tử. Thay vào đó, hãy dùng những cụm từ như “qua đời do tự tử”. Những từ như “thành công” hay “không thành công” tạo liên tưởng rằng tự tử là một việc rất đáng làm.
  • Tránh mô tả tự tử là hành động quyến rũ, lãng mạn, anh hùng hoặc cần thiết. Việc mô tả tự tử là hành động tích cực và/hoặc đáng biểu dương có thể khiến người khác coi tự tử là giải pháp để xử lý hoặc đối phó với vấn đề.
  • Tránh gọi những người đang gặp khó khăn là “khùng”, “tâm thần”, “mất trí”, “điên” hoặc “rồ”. Đó là những từ mang tính phán xét. Những từ đó củng cố định kiến tiêu cực và kỳ thị về vấn đề tự tử và bệnh tâm thần.
  • Tránh xác định một nguyên nhân duy nhất dẫn đến tự tử và tự làm hại bản thân. Cái chết do tự tử không xảy ra từ một nguyên nhân duy nhất. Việc hiểu rõ rằng tự tử có thể là kết quả của nhiều yếu tố kết hợp sẽ giúp điều chỉnh những quan niệm sai lầm, đồng thời khuyến khích việc trao đổi thông tin an toàn, mang tính xây dựng lẫn nhau.
  • Tránh sử dụng những cách trả lời đơn giản, ví dụ như: “đừng lo, cứ vui lên đi”, “mọi thứ sẽ ổn thôi mà”, “vui lên đi, không sao đâu”. Những câu nói này thoạt nghe có vẻ động viên tinh thần, nhưng thật sự chúng rất “vô cảm” với cảm xúc hoặc trải nghiệm không tích cực của người khác. Thay vào đó, hãy thể hiện sự đồng cảm và thấu hiểu cho cảm xúc, khó khăn của họ.
  • Chúng tôi hiểu rằng chứng Rối loạn ăn uống là vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần. Bạn hãy cân nhắc bổ sung liên kết đến các nguồn hỗ trợ chuyên nghiệp (được cung cấp trên Trang tài nguyên về Rối loạn ăn uống của TikTok) vào trong bài đăng của mình. Việc này sẽ giúp hướng dẫn các thành viên khác trong cộng đồng tìm đến những thông tin và nguồn hỗ trợ tin cậy.
  • Các thông điệp xác thực và đa dạng giúp thúc đẩy tinh thần chấp nhận cơ thể, xây dựng lòng tự trọng và khuyến khích lòng trắc ẩn với bản thân cần được giới thiệu và tuyên truyền rộng rãi. Điều này có thể mang đến những tác động tích cực trong việc xây dựng một môi trường luôn quan tâm và hỗ trợ lẫn nhau trên nền tảng của chúng ta.
  • Việc đề cập đến các triệu chứng và hành vi rối loạn ăn uống có thể khiến các thành viên khác trong cộng đồng lo lắng. Ngay cả trong các video giúp nâng cao nhận thức hoặc thảo luận về phương pháp hồi phục, chúng tôi cũng khuyến khích các nhà sáng tạo nội dung tránh đề cập đến những hành vi ăn uống và luyện tập cụ thể. Thay vào đó, hãy thử tập trung tác động của chứng rối loạn ăn uống lên cuộc sống hàng ngày – ví dụ: chứng rối loạn ăn uống ảnh hưởng đến tâm trạng, lòng tự trọng, tình bạn và các khía cạnh khác của cuộc sống như thế nào?
  • Những bức ảnh “trước và sau”, ngay cả khi đó là bức ảnh để kỷ niệm hành trình hồi phục, cũng có thể khiến những người đang gặp phải chứng rối loạn ăn uống thấy đau khổ. Cân nặng không phải là chỉ số để đánh giá mức độ phục hồi của chứng rối loạn ăn uống. Chúng tôi khuyến khích cộng đồng tránh sử dụng phương pháp so sánh hình ảnh để nói về trải nghiệm của mình.
  • Các con số cũng có thể gây ra những tác động. Tốt nhất là bạn không nên đề cập đến các chỉ số có thể dễ dàng được mang ra so sánh, như cân nặng, calo, chỉ số khối cơ thể (BMI), kích cỡ quần áo, v.v. dù đó là những con số ở thời điểm hiện tại hoặc trong quá khứ.
  • Việc nói về sức khỏe tinh thần của bạn có thể gợi lại cho bạn nhiều cảm xúc. Hãy nhớ để ý đến bản thân và cân nhắc tham gia một số hoạt động tích cực về chăm sóc bản thân.
  • Người khác có thể tìm đến bạn để trò chuyện hoặc nhờ giúp đỡ. Điều này sẽ rất hữu ích nếu bạn sẵn sàng để chia sẻ. Nhưng bạn cũng nên đặt ra những giới hạn cho riêng mình. Hãy nhớ rằng bạn không phải chịu trách nhiệm cho hành vi hoặc lựa chọn của người khác và bạn hoàn toàn có thể đặt ra ranh giới riêng của mình về những gì bạn cảm thấy thoải mái khi trao đổi. Để biết thêm thông tin, hãy tìm hiểu bộ công cụ của chúng tôi tại Hỗ trợ các thành viên đang gặp khó khăn.
  • Điều cuối cùng, hãy nhớ rằng quyền kiểm soát nằm trong tay bạn. Hãy chủ động sử dụng Công cụ kiểm soát an toàn và quyền riêng tư của TikTok để lọc nội dung và cải thiện trải nghiệm trong ứng dụng của bạn:
    • Cài đặt tài khoản: Giới hạn những người có thể theo dõi và tương tác bằng cách đặt tài khoản của bạn ở chế độ Riêng tư. Điều này nghĩa là bạn có thể phê duyệt hoặc từ chối yêu cầu của follower và chỉ những follower được phê duyệt mới có thể xem nội dung của bạn. Nếu bạn dưới 16 tuổi, tài khoản của bạn được cài đặt mặc định ở chế độ Riêng tư.
    • Bình luận: Bạn có thể quyết định những ai có thể bình luận video của bạn bằng cách chuyển đổi giữa “Không ai cả”, “Bạn bè”, “Tất cả mọi người” (chỉ dành cho người dùng trên 16 tuổi) hoặc tắt hoàn toàn tính năng bình luận. Bạn cũng có thể tạo bộ lọc bình luận của riêng mình bằng cách tạo danh sách từ khóa và các bình luận có chứa những từ khóa đó sẽ tự động ẩn.
    • “Không quan tâm”: Bạn không muốn tiếp xúc với một loại nội dung cụ thể nào đó trên trang Dành cho bạn? Nhấn và giữ video rồi chọn “Không quan tâm”.
    • Báo cáo: Nếu bạn cảm thấy nội dung mà bạn đang xem vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng của TikTok, bạn có thể báo cáo nội dung đó trong ứng dụng bằng cách thực hiện theo hướng dẫn tại đây.

Nguồn lực

Truy cập trang này để biết thêm thông tin liên quan đến nội dung tự tử và tự làm hại bản thân trên TikTok cũng như các liên kết đến các nguồn lực có thể hỗ trợ bạn.

Bộ công cụ này được xây dựng dựa trên sự tư vấn của chuyên gia đến từ Hiệp hội Phòng chống Tự sát Quốc tế cùng các tổ chức Crisis Text Line, Live For Tomorrow, Samaritans (Singapore)Samaritans (Anh Quốc). Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các bác sĩ Thomas Niederkrotenthaler, Rory O’Connor, Daniel Reidenberg và Jo Robinson vì những tư vấn và nghiên cứu của họ.

Miễn trừ trách nhiệm

Hướng dẫn và bộ công cụ của TikTok không cung cấp các dịch vụ sức khỏe tâm thần hoặc y tế.

Mục “Chia sẻ câu chuyện về sức khỏe tinh thần” trên TikTok không thay thế cho hoạt động chẩn đoán, điều trị hoặc tư vấn về y tế, tâm lý hoặc tâm thần. Nội dung do TikTok tạo ra và chia sẻ chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và giáo dục. Người dùng không nên bỏ qua hoặc trì hoãn việc tìm đến các nhà tư vấn chuyên môn vì đã tham khảo các dịch vụ hoặc tài liệu giáo dục do TikTok cung cấp. Nếu bạn hoặc một ai đó mà bạn biết đang gặp khủng hoảng, gặp nguy hiểm hoặc đang trong tình trạng y tế khẩn cấp, hãy gọi ngay cho các đội ngũ hỗ trợ tại địa phương. Bạn không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm về sự an toàn của người khác. Những người dùng khác cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau. Bạn không bắt buộc phải tham gia các cuộc trò chuyện này nếu bạn cảm thấy chưa sẵn sàng.


Hỗ trợ các thành viên đang gặp khó khăn

Sự an toàn và sức khỏe tinh thần của các thành viên trong cộng đồng TikTok là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm giúp đỡ lẫn nhau để mọi người luôn an toàn và được hỗ trợ khi gặp khó khăn về sức khỏe tinh thần.
Khi có ý định tự tử hoặc tự làm hại bản thân, mọi người thường tìm đến bạn bè và các thành viên trong cộng đồng. Bạn bè và các thành viên trong cộng đồng cũng có khả năng phát hiện ai đó đang gặp khó khăn. Nhưng bạn có biết mình nên làm gì khi thấy ai đó đang cần hỗ trợ không?
Nghiên cứu chỉ ra rằng có một số cách hỗ trợ an toàn và hiệu quả vượt trội hơn so với những cách khác. Hướng dẫn này cung cấp các mẹo hay để giúp bạn phản hồi khi thấy ai đó đang đấu tranh với ý nghĩ tự tử hoặc tự làm hại bản thân.

Việc nhận ra những dấu hiệu cho thấy một ai đó đang gặp khó khăn đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra những sự hỗ trợ cần thiết. Những dấu hiệu đó bao gồm:

  1. Họ thường xuyên đề cập trực tiếp đến việc tự tử hoặc tự làm hại bản thân, ví dụ như “Tôi muốn tự tử”. Họ hay nhắc đến mong muốn hoặc các cách kết thúc cuộc sống của họ, hoặc chia sẻ video về hành vi tự làm tổn thương bản thân mà họ mới thực hiện gần đây.
  2. Họ đề cập gián tiếp đến việc tự tử hoặc tự làm hại bản thân. Đôi khi, họ có thể sử dụng ngôn ngữ nhẹ nhàng hơn, ví dụ như “Tôi muốn chấm dứt nỗi đau này”, “Tôi không thể chịu đựng được nữa”.
  3. Họ khóc, nói về cảm giác buồn bã, tuyệt vọng, lo lắng và/hoặc khó ngủ.
  4. Gần đây, họ tăng mức độ liều lĩnh và mạo hiểm.
  5. Họ bày tỏ sự đau buồn trước những bình luận mang tính quấy rối và bắt nạt.
  6. Họ đột nhiên tỏ ra rất khó khăn trong việc thực hiện các công việc hàng ngày như ngủ, tắm hoặc mặc quần áo.

Làm thế nào để phản hồi một ai đó khi họ đang gặp khó khăn? Hãy thực hiện các biện pháp sau đây để TẠO mối kết nối!

  • Bạn khó có thể phản hồi hiệu quả khi chính bản thân mình đang trong tình trạng căng thẳng. Trước khi làm bất cứ điều gì, hãy hít thở sâu, thả lỏng cơ thể và tĩnh tâm.
  • Hãy nhớ rằng bạn không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm về sự an toàn của người khác. Những người dùng khác cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau. Bạn không bắt buộc phải tham gia các cuộc trò chuyện này nếu bạn cảm thấy chưa sẵn sàng.
  • Hãy nghĩ xem bạn có thể làm gì để hỗ trợ người khác một cách an toàn và bạn có những nguồn hỗ trợ nào. Hãy cân nhắc liên hệ với những tổ chức hỗ trợ tại địa phương hoặc tìm đến những người mà bạn tin cậy, tâm sự về những lo lắng của bạn để họ có thể hỗ trợ bạn lập kế hoạch giải quyết những khó khăn.
  • Bạn cũng có thể cân nhắc việc tập hợp và ghi lại những suy nghĩ của mình trước khi kết nối với người đang gặp khó khăn.

Việc bạn phản hồi khi thấy ai đó đang gặp khó khăn có thể giúp họ cảm thấy bớt cô đơn và được hỗ trợ nhiều hơn. Sau đây là năm phương án phản hồi:

  1. Nếu bạn cho rằng người đó đang gặp nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, hãy cân nhắc gọi dịch vụ cấp cứu, đường dây khẩn cấp tại địa phương hoặc gọi đội hỗ trợ y tế chuyên nghiệp. Tốt nhất, bạn nên ở cùng người đó trong thời điểm này, và ở bên họ cho đến khi họ nhận được sự giúp đỡ.
  2. Nếu họ không gặp nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, hãy cân nhắc liên hệ với những người mà bạn tin cậy, đường dây hỗ trợ tại địa phương hoặc các chuyên gia để được giúp đỡ.
  3. Nếu bạn phát hiện những nội dung vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng của TikTok, bạn có thể báo cáo nội dung đó trong ứng dụng bằng cách thực hiện các bước hướng dẫn tại đây. Mọi thông tin sẽ được giữ bí mật và ẩn danh. Ngoài ra, cá nhân người đó sẽ được cung cấp nguồn lực hỗ trợ khủng hoảng tại địa phương.
  4. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi phản hồi một cách riêng tư, hãy thử bình luận công khai để chia sẻ các nguồn lực hỗ trợ khủng hoảng tại địa phương.
  5. Nếu bạn cảm thấy thoải mái khi trò chuyện trực tiếp với người đó, hãy tiếp tục TẠO mối kết nối – tốt nhất là qua tin nhắn riêng, bằng cách tuân thủ các nguyên tắc sau.

Cân bằng giữa việc lắng nghe và đặt những câu hỏi mở. Ghi nhận cảm xúc và khó khăn của người đó, nhưng tránh nói rằng tự tử hoặc tự làm hại bản thân là những cách hữu ích hoặc bình thường để đối phó với khó khăn. Hãy cố gắng chú tâm vào người đang gặp khó khăn. Mặc dù bạn có thể muốn chia sẻ những khó khăn của bản thân, nhưng điều này có thể khiến họ cảm thấy họ không có giá trị. Tránh vội vàng đưa ra hướng giải quyết vấn đề bởi điều này có thể gây khó chịu cho người đang gặp khủng hoảng vì chúng ta không thật sự ở trong hoàn cảnh của họ. Ví dụ về các cách phản hồi thể hiện sự đồng cảm:

  • “Cảm giác bế tắc quả thực rất khó chịu. Đôi khi thật khó để tìm ra hướng giải quyết”.
  • “Có vẻ bạn đang mong muốn thay đổi điều gì đó. Bạn muốn thay đổi điều gì?”
  • “Chia tay có thể khiến bạn cảm thấy cô đơn và mất kết nối với những người bạn quan tâm! Bạn đối phó với điều này như thế nào?”

Nghiên cứu chỉ ra rằng hỏi về hành động tự tử không khiến ai đó có ý nghĩ tự tử hoặc làm tăng nguy cơ tự tử. Thay vào đó, hành động này có thể khởi đầu một cuộc trò chuyện có khả năng cứu mạng họ:

  • Nếu bạn lo lắng, hãy hỏi trực tiếp xem hiện họ có đang suy nghĩ đến việc tự tử hoặc làm hại bản thân không, ví dụ: “Đã bao giờ bạn có ý định tự tử chưa?” Kể cả khi bạn biết rằng người đó không có ý định nghiêm túc, bạn vẫn nên hỏi!
  • Nếu họ đang có ý định tự tử hoặc tự làm hại bản thân, hãy hỏi xem liệu họ có nghĩ về (i) tìm hiểu cách tự tử; (ii) thời gian và (iii) địa điểm tự tử cụ thể hay không.
  • Nếu họ phủ nhận việc họ có ý định tự tử, bạn hãy cẩn thận. Đừng nên phản hồi mang tính phán xét vội vàng. Đừng nói những câu đại loại như ‘phù’ hay ‘may quá’. Bạn nên nói những câu ví dụ như “cảm ơn vì đã thành thật chia sẻ”. Điều này giúp người đó biết rằng nếu họ đang có những suy nghĩ như vậy, bạn sẽ là người an toàn để họ tâm sự.
  • Giảm khả năng tiếp cận các phương pháp tự tử và tự gây thương tích là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa tình trạng tự làm hại bản thân. Nếu có thể thực hiện điều này một cách an toàn, hãy giảm khả năng mà người đang khủng hoảng có thể tiếp cận với các công cụ dùng để tự làm hại bản thân.
  • Xác định một người đáng tin cậy mà người đang gặp khủng hoảng có thể liên hệ nếu ý định tự tử của họ vẫn tiếp diễn trầm trọng hơn. Nếu người đang gặp khủng hoảng vẫn còn nhỏ tuổi, hãy giúp các em tìm một người lớn đáng tin cậy, đường dây hỗ trợ khủng hoảng hoặc chuyên gia tại địa phương; hãy cùng các em suy nghĩ về cách bày tỏ khó khăn của mình và đồng hành với các em trong khi các em liên hệ trực tiếp để được trò chuyện hỗ trợ. Nếu các em yêu quý một thầy cô nào đó, thì đây là người rất phù hợp để liên hệ.
  • Nhiều người thấy rất hữu ích nếu lập một danh sách tùy chỉnh gồm 4-5 hoạt động mà họ có thể tự động thực hiện khi gặp khó khăn. Nếu bạn đang hỗ trợ ai đó, hãy thử cùng họ lập ra danh sách này để xem đâu là hoạt động hữu ích! Danh sách hoạt động có thể bao gồm:
  1. Uống một cốc nước đá lạnh và tận hưởng cảm giác đó
  2. Dành 15 phút để học một điệu nhảy mới trên TikTok
  3. Tắm nước ấm thật lâu
  4. Đọc lại cuốn sách yêu thích hoặc nghe một bài hát vui tươi
  5. Nhắn tin cho bạn bè để được hỗ trợ và/hoặc hỏi xem một ngày của họ ra sao
  6. Liên hệ với đường dây nóng hỗ trợ khủng hoảng tại địa phương để trình bày khó khăn mà mình đang gặp phải

Khích lệ người đang gặp khủng hoảng để đảm bảo họ an toàn và sau đó liên hệ để được hỗ trợ:

  • Giúp giảm bớt các rào cản trong việc hỗ trợ bằng cách ngỏ ý giúp họ tìm số điện thoại đường dây nóng, chuyên gia trị liệu hoặc luôn đồng hành cùng họ trong quá trình họ tâm sự với người lớn.
  • Đảm bảo rằng họ có nguồn lực và công cụ để đối phó với những biến cố thăng trầm. Ví dụ: hãy khuyến khích họ lập danh sách các lý do để tiếp tục cuộc sống, các hoạt động lành mạnh khiến họ cảm thấy tích cực và những người họ tin tưởng có thể giúp họ vượt qua bão tố cuộc đời. Việc từ bỏ ý định tự tử hoặc tự làm hại bản thân không phải lúc nào cũng trơn tru, đơn giản, mà phải cố gắng từng bước một.

Nếu bạn đang lo lắng, hãy thực hiện bước đầu tiên để TẠO sự kết nối. Đừng ngồi im đợi người khác liên hệ với bạn rồi mới thể hiện sự quan tâm của bạn.
Quan tâm đến người khác là việc nên làm nhưng bản thân bạn cũng quan trọng không kém. Không ai chịu hoàn toàn trách nhiệm về suy nghĩ hay hành động của người khác. Bạn không nhất thiết phải tham gia những cuộc trò chuyện này nếu bạn chưa chuẩn bị hoặc cảm thấy không phù hợp.
Hãy nhớ rằng luôn có sẵn các nguồn lực hỗ trợ và bạn không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm về sức khỏe tinh thần của một người bạn hay những thành viên khác trong cộng đồng. Việc chăm sóc lẫn nhau là nỗ lực của cả tập thể. Chúng ta có thể giúp mọi người luôn an toàn, cảm thấy kết nối hơn và tiếp cận các nguồn lực mà họ cần.

Nguồn lực

Để biết thêm các nguồn lực khác, bao gồm danh sách các đường dây trợ giúp miễn phí cho bất kỳ ai đang gặp rắc rối tâm lý, hãy tham khảo Trung tâm An toàn của TikTok.

Bộ công cụ này được xây dựng dựa trên sự tư vấn của chuyên gia đến từ Hiệp hội Phòng chống Tự sát Quốc tế cùng các tổ chức Crisis Text Line, Live For Tomorrow, Samaritans (Singapore)Samaritans (Anh Quốc). Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các bác sĩ Thomas Niederkrotenthaler, Rory O’Connor, Daniel Reidenberg và Jo Robinson vì những tư vấn và nghiên cứu của họ.

Miễn trừ trách nhiệm

Hướng dẫn và bộ công cụ của TikTok không cung cấp các dịch vụ sức khỏe tâm thần hoặc y tế.

Mục “Hỗ trợ các thành viên đang gặp khó khăn” trên TikTok không thay thế cho hoạt động chẩn đoán, điều trị hoặc tư vấn về y tế, tâm lý hoặc tâm thần. Nội dung do TikTok tạo ra và chia sẻ chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và giáo dục. Người dùng không nên bỏ qua hoặc trì hoãn việc tìm đến các nhà tư vấn chuyên môn vì đã tham khảo các dịch vụ hoặc tài liệu giáo dục do TikTok cung cấp. Nếu bạn hoặc một ai đó mà bạn biết đang gặp khủng hoảng, gặp nguy hiểm hoặc đang trong tình trạng y tế khẩn cấp, hãy gọi ngay cho các đội ngũ hỗ trợ tại địa phương. Bạn không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm về sự an toàn của người khác. Những người dùng khác cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau. Bạn không bắt buộc phải tham gia các cuộc trò chuyện này nếu bạn cảm thấy chưa sẵn sàng.